Hội thảo "Nuôi Mầm Khoan Dung" trên báo Saigon Times



Những câu chuyện được sưu tầm trong một hội thảo của cộng đồng LGBT (Đồng tính, Song tính và Chuyển giới) tại Việt Nam.


Mẹ có 3 người con thì hết 2 đứa thuộc cộng đồng LGBT, một đứa là người chuyển giới nam, một đứa là đồng tính nam. Đó là câu chuyện của mẹ Nguyệt, một người mẹ can đảm đến từ Nha Trang với hành trình yêu thương không giới hạn, vô điều kiện. Đứa con gái đầu là người dị tính. Đứa con thứ hai ra đời, mẹ chưa kịp vui mừng theo tháng ngày con lớn lên thì đã hoang mang khi dõi theo tâm tính của con đổi thay. Con mẹ là người chuyển giới, ẩn sâu bên trong vẻ ngoài con gái là một tính cách cứng rắn của con trai. Vì thế, con mẹ sống trong cô độc, bị bạn bè trêu chọc và người đời dè bỉu. Nhìn con mỗi ngày từ trường về mang theo vết tích ẩu đả, đánh nhau, rồi mẹ thường xuyên bị thầy cô gọi lên trường nhắc nhở, mắng vốn, có người mẹ nào mà không đau? Xót xa đó nhưng mẹ đỡ thấp thỏm vì con có tính cách mạnh mẽ, biết tự vệ, biết phản kháng. Khi con vào cấp 3, phải mặc áo dài đến lớp, con đòi nghỉ học vì không chịu nổi cảnh một đứa chuyển giới nam thẳng đuồn đuột trong bộ áo dài vốn tôn vinh nữ giới, mẹ lại nhẹ nhàng khuyên nhủ, ôm con mà khóc, lặn lội ngược xuôi chuyển trường cho con về Đà Lạt vì ở đó mặc áo dài nhưng được mặc thêm áo khoác. Rồi mẹ cố gắng hướng con theo nghề sư phạm, lạy Trời khấn Phật trong mong mỏi cho con trở lại bình thường. Ra trường, không nơi nào nhận con mẹ vào làm. Lần nữa, nuốt xuống nỗi đau dồn nén, mẹ chuyển nhà lên miền núi, nghĩ rằng ở vùng sâu vùng xa đó, con mẹ sẽ bình yên. Nhưng không, chính thầy hiệu trưởng nơi nhiệm sở nói rằng con mẹ không có tư cách để làm thầy giáo, con mẹ có vấn đề tâm thần.

Những năm sau đó, đứa con út ra đời, mẹ nghĩ có lẽ ông Trời xót thương mà cho mẹ một đứa con trai, nhưng nỗi đau nối tiếp nỗi đau khi ngày ngày mẹ thấy tâm sinh lý con đổi thay, con mẹ là người đồng tính nam. Ẩn sâu bên trong dáng vẻ nam tính rắn rỏi là tâm hồn của một đứa con gái, yếu ớt đến vô cùng, cô độc đến tận cùng. Nhiều lần mẹ chứng kiến con mình ngồi lặng im một chỗ, không chơi với ai và cũng không ai chơi cùng. Con mẹ vẽ đẹp nhưng nhìn bức vẽ là mẹ đớn đau, mẹ chẳng bao giờ mong điều đó vì có ai nhìn nhận nó đâu, nó biết làm gì khác ngoài việc đóng cửa phòng, rút vào thế giới riêng và vẽ?

Người chồng đi thêm bước nữa, mọi việc trong nhà, mọi nỗi đau chỉ mình mẹ gánh chịu, tự nhủ lòng phải vượt qua để làm điểm tựa cho các con. “Tôi rất đau đớn và từng có thời gian rơi vào trầm cảm. Nghe con hỏi tôi sinh nó ra làm gì mà lòng quặn thắt. Tương lai của chúng rồi sẽ về đâu. Đi cùng con gần nửa cuộc đời, chịu bao kì thị lẫn khó khăn, tôi ngẫm ra hạnh phúc của con quan trọng hơn nhiều với cái gọi là chuẩn mực xã hội. Con mình cô độc quá rồi, tôi còn nỡ lòng nào làm tổn thương con nữa.”
Lặng nghe câu chuyện của mẹ, mọi người có mặt trong khán phòng hội thảo “Nuôi mầm khoan dung – Teaching Tolerance” đều rưng rưng xúc động. Đây là hội thảo do Trung tâm ICS phối hợp cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo và UNESCO tổ chức, diễn ra vào sáng ngày 28/8/2016 trong chuỗi hoạt động VietPride 2016 TP.Hồ Chí Minh với chủ đề về môi trường học đường an toàn cho học sinh LGBT. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố, các bậc cha mẹ và đặc biệt hội thảo còn đón chào các cán bộ nhà trường, thầy cô giáo, đại diện Cục Quản lý nhà giáo thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo. Hội thảo là không gian để những câu chuyện đời, chuyện người được kể ra trong chia sẻ và cảm thông.

Không có con thuộc cộng đồng LGBT như mẹ Nguyệt nhưng nhà nghiên cứu Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội lại đối diện với kì thị vì sự khác biệt. Bà nhớ lại thuở nhỏ đi học thường bị bạn bè ném đá vào người, bị cô lập chỉ bởi vì bà quá trắng trẻo, mặc váy, mang giày trong khi trẻ em vùng nông thôn thời đó còn đi chân đất lấm lem. Sau này tới lượt con bà, cháu bé hiếu động, hay thè lưỡi liền bị bạn bè trêu chọc thiểu năng, bà phản ánh với thầy cô giáo thì thầy cô cười, nói con bà cũng giống vậy. Ngay lập tức, bà chuyển trường cho con, dẫu trường mới không tiếng tăm như ngôi trường cũ, nhưng ở đó con bà được tôn trọng hơn.

Dọc lối đi của khán phòng hội thảo là những bảng ghim lời ước nguyện và lời cầu chúc. “Em ước mọi người nhìn nhận và đánh giá năng lực giảng dạy của em thay vì tò mò giới tính của em”, “Em ước em được mặc quần xanh áo trắng đến trường thay vì áo dài”, “Em ước các thầy cô, bạn bè nơi ký túc xá em ở sẽ không còn kì thị, phân biệt em nữa, mà đối xử với em như mọi sinh viên bình thường khác”, “Em ước một ngày nào đó, ngay cả cụm từ LGBT sẽ không còn xuất hiện, mọi người chỉ đến với nhau thôi, được không?”...

Bên cạnh đó là bao tâm tình của bậc làm cha làm mẹ. “Nếu như tôi biết thông tin về LGBT sớm hơn, có lẽ tôi đã không đẩy con mình vào ốc đảo của riêng nó”, “Nếu như tôi biết thông tin về LGBT sớm hơn, tôi đã đồng hành cùng con mình vững vàng hơn”, “Nếu như tôi biết thông tin về LGBT sớm hơn, tôi đã bảo vệ con mình tốt hơn.”

Có mặt tại hội thảo, thầy Võ Đức Chỉnh, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Cần Thơ cảm thấy đau lòng và tiếc nuối cho câu chuyện của những người mẹ. Thầy và trường Nguyễn Việt Hồng là một trong số những ngôi trường mở rộng vòng tay và đối xử tử tế với các học sinh thuộc cộng đồng LGBT. Năm 2013, trường THPT Nguyễn Việt Hồng là ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam đưa kiến thức LGBT vào sinh hoạt ngoại khóa với những nội dung thiết thực. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải không ít trở ngại như cơ quan chức năng yêu cầu làm tường trình, các giáo viên còn ngần ngại. Thầy Đức Chỉnh đã không lùi bước, kiên trì thay đổi định kiến và bao dung hơn với các học sinh của mình. Hoạt động đó đã được duy trì cho đến hôm nay và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Nhận thấy các em học sinh LGBT thường trốn tránh giờ chào cờ đầu tuần vì yêu cầu mặc áo dài đồng phục, thầy đã cho phép các em đăng ký mặc áo trắng quần xanh hay áo dài tùy ý, từ đó các em LGBT hoạt động sôi nổi hơn khiến học sinh trong trường cũng khâm phục. Trường còn tổ chức câu lạc bộ, phổ biến thông tin về LGBT, cho phép học sinh LGBT và học sinh bình thường sinh hoạt với nhau. Thầy thường xuyên nhắc nhở và tâm tình với các giáo viên rằng “Nếu không quan tâm đến các em học sinh LGBT là có tội với tòa án lương tâm của nghề giáo.” Chính tấm lòng đó nên đã có học sinh LGBT của trường hiện trở thành Phó Hiệu trưởng của một trường Đại học tại TP.HCM.

Chị Nguyễn Lý Hiền Nga, Cán bộ dự án Quản trị quyền trẻ em thuộc Tổ chức Cứu trợ trẻ em, kiêm Sáng lập Tổ chức Women Who Make A Difference, dẫn số liệu theo thống kế của viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường iSEE về vấn đề phân biệt đối xử với người LGBT trong trường học: Từng bị bắt nạt, quấy rầy bởi bạn bè chiếm 53.8%; Từng bị bắt nạt, quấy rầy bởi giáo viên, cán bộ nhà trường chiếm 23%; Từng bị ép buộc thay đổi đồng phục chiếm 20.4%; Từng bị ép buộc thay đổi kiểu tóc, cử chỉ, điệu bộ chiếm 29.3%. Chị khẳng định vấn đề bạo hành về mặt thể chất lẫn tinh thần có tỉ lệ khá cao, nhất là ở trong môi trường học đường. Chị chia sẻ cùng các thầy cô, đại diện Cục Quản lý nhà giáo và những người quan tâm các kinh nghiệm quốc tế và những nỗ lực trong nước vì một môi trường học đường an toàn, bình đẳng và khoan dung cho tất cả các em học sinh.

Trước thực trạng kì thị và phân biệt là có thật, thầyVõ Đức Chỉnh mong mỏi Cục Quản lý nhà giáo sớm có văn bản cũng như có sở pháp lý để hướng dẫn các trường mạnh dạn thay đổi thái độ, cách cư xử với học sinh LGBT. Lắng nghe những câu chuyện đau lòng, thấu hiểu những mong mỏi chính đáng của các em học sinh cũng như các bậc cha mẹ, bà Vân Anh – Đại diện Cục Quản lý nhà giáo đồng cảm, chia sẻ và cho biết Cục Quản lý nhà giáo đang xây dựng và sẽ triển khai thí điểm khóa học trực tuyến về bình đẳng giới cho khoảng 200 giáo viên ở bậc THCS, THPT tại Hà Nội, Huế, TP.HCM vào tháng 10 tới. Bà cam kết sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận những sáng kiến liên quan đến vấn đề bạo lực học đường về đa dạng giới và sẽ tham mưu lãnh đạo để sớm đề xuất những giải pháp tốt nhất cũng như đào tạo nâng cao nhận thức cho bình đẳng giới trong học đường.

Trong khi chờ đợi các văn bản pháp luật ra đời và có hiệu lực để bảo vệ môi trường học đường an toàn, bình đẳng và khoan dung cho tất cả các em học sinh, thì các thầy cô giáo tương lai đã và đang chuyển động. Đó là nhóm HCMUP LGBT thuộc trường Đại học Sư phạm TP.HCM với mong muốn trở thành một nơi an toàn để cộng đồng LGBTQ+ và những người ủng hộ cùng sinh hoạt, trau dồi thêm kiến thức về đa dạng giới và tính dục, về quyền con người và bình đẳng giới. Đó là nhóm Làng Đại học thuộc Trường Học Cầu Vồng đang chia sẻ những cam kết về hành động tương lai để tạo nên một môi trường học đường an toàn và khoan dung hơn và mong rằng có thể tìm được những liên kết, hỗ trợ từ những người quan tâm trong buổi hội thảo "Nuôi mầm Khoan dung”. Đó là dự án Trường Học Cầu Vồng, một dự án xã hội của Trung tâm ICS ra đời năm 2014, mong muốn đẩy mạnh việc hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là LGBT, xây dựng một xã hội tử tế, không chỉ với bản dạng giới và đa dạng tính dục mà còn là tất cả sự đa dạng của cộng đồng, thông qua chương trình tập huấn giao lưu, góp phần đưa tới những kiến thức, kỹ năng, ứng xử với người LGBT trong môi trường học đường.

Ông Trần Khắc Tùng – Giám đốc ICS nhấn mạnh “Trường học là một môi trường giáo dục quan trọng với mỗi cá nhân, nơi được cộng đồng xã hội tin cậy để trao truyền sự hiểu biết và tinh thần sáng tạo cho con người. Chúng tôi tin rằng chỉ trong giáo dục và thông qua giáo dục, những giá trị về sự thật, sự công bình và lòng bao dung mới có thể lan tỏa và góp phần làm nên đời sống an bình cho tất cả, không phân biệt người LGBT hay không.”

Bảo Hướng