Chuyện tình 33 năm của Mỹ và Châu


Mỹ và Châu là một đôi đồng tính nữ đã yêu nhau 33 năm, một sống ở Việt Nam, một sống ở Canada. Hai người đã gửi cho Trung tâm ICS, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường ISEE (hai tổ chức làm về người đồng tính, song tính, chuyển giới “LGBT” tại Việt Nam) bộ hồ sơ bảo lãnh định cư nộp cho Cơ quan Di trú Canada, trong đó có lá thư cứu xét kể lại chi tiết về câu chuyện tình yêu phi thường của họ.

Sau hơn 30 năm xa cách, đấu tranh với định kiến xã hội và chống đối từ gia đình, Mỹ và Châu đã được chấp thuận bảo lãnh định cư và lên đường sang Canada từ ngày 20/02/2016. Mỹ và Châu mong muốn chia sẻ lại câu chuyện này để động viên các bạn LGBT trẻ có thêm nghị lực và tự hào sống là chính mình, đồng thời kêu gọi những những LGBT lớn tuổi hãy dũng cảm công khai để thay đổi thái độ xã hội.

Dưới đây là phần lược dịch của lá thư cứu xét.


_______________________________


Tôi tên là Mỹ, năm nay 47 tuổi. Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó với 12 anh chị em. Ba mẹ tôi bán cháo huyết để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. 

Châu cũng sinh ra ở Sài Gòn, kém tôi 2 tuổi. Năm 1974, ba của Châu qua đời. Năm 1982, Châu và mẹ dọn tới sống cùng với Ngoại, cách nhà tôi khoảng chục căn trong con hẻm nhỏ ở phường Cô Giang, quận Một.

Lần đầu tiên gặp Châu, tôi thấy Châu vô cùng đặc biệt. Tôi bị lôi cuốn, thu hút theo dáng điệu nhẹ nhàng, ăn mặc chỉnh tề sạch sẽ của Châu. Nhưng cả mấy tháng trường, tôi cũng chẳng dám nói chuyện với Châu, bởi lẽ mỗi lần nhìn thấy Châu tôi đều cảm thấy trong lòng thật hồi hộp, run đến quên cả không còn nhớ được mình đang định muốn nói gì. 

Nhà Châu nghèo, không thể cho cả ba anh em đi học. Mẹ em bán hủ tíu, bánh canh. Cứ 6 giờ sáng, Châu giúp mẹ dọn ra bán, phụ việc suốt cả ngày, rồi đóng quán lại vào 4 giờ chiều. Nhìn thấy Châu chăm chỉ làm việc, tôi càng cảm mến em hơn. Tôi đề nghị với Châu giúp em một tay dọn dẹp quán vào mỗi buổi chiều.

Tới năm 1983, tình bạn chúng tôi đã trở thành một mối quan hệ thân thiết đặc biệt. Bất cứ lúc nào chúng tôi có thời gian rảnh, là chúng tôi gặp riêng nhau. Mỗi đêm chúng tôi thường xem tivi. Thi thoảng đi ăn tối và xem phim. Chúng tôi làm gì cũng cùng làm chung. Sự san sẻ, yêu thương đã chạm vào trái tim Châu, và em nhận ra em đã yêu tôi. Châu đáp lại tình yêu của tôi, bằng tình yêu của Châu.

Chúng tôi thường hẹn gặp ở nhà của tôi. Lúc đó, chúng tôi còn quá trẻ để hiểu về sự ràng buộc, trách nhiệm. Chỉ có một điều chúng tôi biết rất rõ: chúng tôi yêu nhau. Tôi thích thì thầm cho em nghe, rồi hôn lên tay, hôn lên má, rồi đặt nụ hôn lên môi.

Khi tình cảm hai đứa dành cho nhau đã quá đậm sâu, thì cũng là lúc tôi phải cùng gia đình định cư sang Canada vào tháng Mười, 1984. Châu phải ở lại một mình. Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng khoảng cách sẽ dần xóa nhòa, thậm chí quên luôn thứ tình cảm cùng giới này. Nhưng, chúng tôi không thể quên.

Món quà Valentine đầu tiên vào năm 1986

Từ năm 1985 tới 1989, chúng tôi liên lạc với nhau qua thư viết tay, và gửi qua đường bưu điện. Thời đó, mỗi lá thư đi mất gần một tháng cho tới sáu tuần để người kia nhận được. Cho nên mỗi khi đọc xong là đối phương phải lập tức viết hồi âm lại liền. Suốt từng ấy năm, hạnh phúc được chuyên chở qua những lá thư tình. Tôi học xong trung học và tốt nghiệp vào năm 1989, còn Châu vẫn phụ giúp gia đình, ban đêm đi làm thêm để kiếm tiền dành dụm.

Từ năm 1990, chúng tôi vẫn viết thư tay, cộng thêm gọi điện thoại khoảng 2 - 3 lần mỗi năm. Mỗi lần nói chuyện khoảng 20 – 30 phút. Những lời tâm tình khiến chúng tôi thấy gần gũi nhau hơn, và tình yêu càng sâu đậm hơn.

Tháng Sáu 1993, em gửi cho tôi một lá thư buồn, nói rằng muốn chấm dứt tình cảm, bỏ đi mọi thứ đã có giữa hai đứa và xem nhau như bạn bè. Nhưng, một tháng sau, tôi lại nhận được một lá thư xin lỗi từ Châu, nói rằng em đã sai khi làm tổn thương tôi vì nói lời chia tay. Em nhận ra em không thể sống thiếu tôi, trái tim em đã luôn thuộc về tôi. Tôi hiểu sự băn khoăn và lo sợ của Châu, vì em phải sống đơn độc ở Việt Nam, đối mặt với thái độ chống đối từ một xã hội bảo thủ hơn nơi tôi đang ở.

Từ năm 1997 đến 1998, tôi tự tìm hiểu về luật tịch và di trú Canada, nhưng không có quy định nào cho phép công dân Canada bảo lãnh bạn đời cùng giới định cư cả. Tôi nói với Châu rằng việc bảo lãnh em sang Canada là không thể. Chúng tôi rơi vào tuyệt vọng.

Tình cờ lúc đó cả hai đều đang có người đàn ông khác theo đuổi. Một người doanh nhân thông minh, thành đạt tên là Trường, theo đuổi Châu. Phía tôi cũng vậy. Chúng tôi từng nghĩ rằng liệu mình có nên làm cho cha mẹ vui lòng, nhất là khi nghĩ về viễn cảnh mịt mờ của hai đứa. Hai đứa đồng ý sẽ chấm dứt liên lạc với nhau. 

Lý trí mách bảo chúng tôi bắt đầu một cuộc đời mới, nhưng con tim thì luôn thổn thức, khổ sở. Châu lịch sự từ chối những cử chỉ quan tâm, thân mật từ người đàn ông kia. Thẳm sâu, những lời nói yêu thương đều dẫn tới kỷ niệm về tôi; thẳm sâu, những cử chỉ thân mật, cái chạm nhẹ nhàng đều gợi nhớ về tôi. Châu trở nên bối rối và chán nản. Phía tôi cũng vậy. Tôi chỉ có thể xem đàn ông là bạn. Tôi chủ động viết thư lại cho Châu.

Sau thử thách lớn nhất đó, cả hai nhận ra chúng tôi không thể chối bỏ tình cảm đồng giới của mình, rằng chúng tôi yêu nhau và thuộc về nhau. Tình yêu trỗi dậy càng mãnh liệt, sâu sắc hơn.

Từ 1999 tới 2001, chúng tôi vẫn viết thư tay và điện thoại khoảng 24 – 60 lần mỗi năm. Mỗi lần nói chuyện 30 – 40 phút.

Từ 2002 tới 2004, chúng tôi ít viết thư hơn, mà gọi điện nhiều hơn, khoảng 104 – 156 lần mỗi năm. Mỗi lần nói từ 1 tiếng tới 1 tiếng rưỡi.

Từ 2005, chúng tôi gọi điện cho nhau mỗi ngày. Tôi gọi cho Châu ba lần một ngày, tổng cộng khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày, chi phí điện thoại tăng chóng mặt. Tôi và Châu cùng tính rằng hai đứa tốn quá nhiều tiền, đến nỗi chỉ cần thêm một chút tiền tiết kiệm của tôi là có thể mua được nhà và xe, trong khi ở Canada tôi vẫn ở nhà thuê và đi lại bằng xe buýt.

Nhiều thứ cũng thay đổi theo thời gian. Từ năm 2006, tôi hay nói chuyện với Châu về việc hôn nhân cùng giới đã được chấp nhận ở Canada. Chúng tôi nhất trí là sẽ công khai, chấm dứt những bí mật và vượt qua những sự gò bó trước nay phải chịu đựng.

Từ năm 2003 đến năm 2005, tôi bàn với Châu về ý định bỏ hết mọi thứ ở Canada và quay về sống với em tại Việt Nam. Tôi nói với em về kế hoạch thuê một căn hộ để chung sống, nhưng Châu không thể làm được điều này vì mẹ em sống hoàn toàn phụ thuộc vào em. Hơn nữa việc tôi về sống với Châu cũng đồng nghĩa với việc em phải công khai. Em rất lo và sợ việc công khai với mẹ sẽ khiến mẹ em ngăn cản quyết liệt. Thực tế đã chứng minh sự lo lắng của em là có cơ sở. 
Bên cạnh đó, tôi cũng đã hứa với người cha quá cố của tôi rằng tôi sẽ chăm sóc mẹ, lúc đó đã hơn 80 tuổi. Tôi sợ rằng hương linh của ông sẽ không được yên nghỉ nếu ông biết được tôi không giữ lời hứa ấy.

Châu và tôi đều bị giằng xé giữa tình yêu của đời mình và bổn phận làm con phải tôn trọng và báo hiếu mẹ. Thế hệ của chúng tôi được dạy rằng phận làm con phải tuyệt đối kính trọng và nghe lời cha mẹ mình. 

Cuối cùng chúng tôi quyết định nói cho hai người mẹ biết. Ngày 20 tháng Ba, 2006, Châu thừa nhận với mẹ của em rằng chúng tôi đã yêu nhau 23 năm từ năm 1983. Mẹ của em bị sốc, hoảng sợ, tuyệt vọng, đau khổ, giận dữ, và kiên quyết phản đối. Châu phải chứng kiến mẹ của em khóc cả ngày trong buồn bã. Mẹ của Châu không ăn, không ngủ, sự xấu hổ làm bà không dám giao tiếp với người ngoài. Rồi tất cả chuyển hóa thành sự tức giận đổ lên đầu Châu. Mẹ của em từng là một người phụ nữ vui vẻ, hạnh phúc. Sức khỏe của bà yếu hơn từ đó.

Mỗi ngày Châu bị mẹ hành hạ bằng những lời nói, câu chửi rất khó nghe. Cùng lúc đó, Châu cũng chịu áp lực từ tôi, vì tôi đã không cố gắng để thông cảm cho hoàn cảnh của em ấy khi em đang sống ở một xã hội cổ hủ hơn, với quan niệm rằng đồng tính là một tội lỗi, một căn bệnh tâm thần.

Tôi đồng ý sẽ chờ em thực hiện tâm nguyện của mình là chăm sóc cho mẹ cho đến khi mẹ em qua đời. Vì vậy, ý định bảo lãnh cho Châu tới Canada của tôi phải tạm dừng từ tháng 6 năm 2006.

Khoảng thời gian 2006 cho đến cuối 2008, là khoảng thời gian khó khăn nhất. Cứ cách một ngày mẹ Châu lại mắng chửi em một lần trong suốt cả hai năm trời. 

Mẹ em tuyên bố rằng em và tôi không phải là con người. Rằng chúng tôi bị thần kinh, đồi bại, vô đạo đức. Rằng Châu đang hại bà chết dần chết mòn trong đau khổ. Châu đã khóc lóc và van xin bà tha thứ hết lần này đến lần khác. Nhưng mẹ em luôn trả lời rằng bà sẽ không bao giờ chấp nhận chúng tôi.
Mẹ Châu đã không nhận ra rằng chính việc bà cố chấp phản đối chuyện tình cảm của chúng tôi đã hành hạ cả bà lẫn Châu. Em ấy đã rất đau lòng khi phải chứng kiến mẹ mình khóc. Châu nói rằng tôi là cuộc sống của em, là tất cả của em, nhưng tình cảm của em dành cho mẹ cũng hết sức to lớn và quan trọng.

Em luôn cầu khẩn Chư Phật soi sáng giúp em tìm ra cách để vẹn toàn cả hai đường, để mọi người mà em yêu thương đều được hạnh phúc, và giúp em có được sức mạnh vượt qua những khó khăn mà em phải đối mặt.

Bà bắt đầu theo dõi mọi hành động của Châu. Mỗi khi tôi gọi điện về nói chuyện với Châu, mẹ em lại khó chịu ra mặt. Bà đóng sầm cửa, đập đồ ầm ĩ lên bàn ăn, kéo lê các vật dụng trong nhà, khiến Châu bị tra tấn tinh thần.

Châu không thể làm gì khác ngoài chịu đựng sự sỉ nhục, la mắng của mẹ mà chỉ khóc thôi. Em luôn cầu nguyện và hy vọng rằng thời gian sẽ làm dịu nỗi đau của mẹ và mẹ sẽ chấp nhận chúng tôi trong tương lai. Từ lúc đó, điện thoại của Châu luôn đặt trong chế độ rung, và mỗi khi nói chuyện chúng tôi phải nói rất khẽ.

Vào tháng 5 năm 2008, tôi biết được rằng Châu bị trầm cảm rất nặng và có ý định tự sát, tôi đã rất lo lắng. Tôi không còn quan tâm đến hậu quả nữa. Tôi nói với Châu, tôi không muốn chờ thêm nữa, xin hãy để tôi quay về gặp em (vì làm sao chúng tôi biết được đến khi nào mẹ em mới hết tức giận). Vì thế, tôi về gặp Châu vào dịp Giáng Sinh năm 2008.
Trong 2 ngày đầu tiên trở về Việt Nam, Châu đến ở cùng tôi ở khách sạn. Chúng tôi hôn nhau trong lúc nước mắt cứ tuôn trên má. Nước mắt của chúng tôi là nước mắt của niềm vui, của hạnh phúc pha với đau khổ và nhớ nhung. Chúng tôi hôn lên nước mắt của nhau, ôm chặt lấy nhau rồi cùng òa lên khóc. 

Vào buổi sáng ngày thứ hai, sau khi cho mẹ ăn sáng, Châu về khách sạn vào lúc 10 giờ với một nụ cười rạng rỡ. Em cứ cười và nhìn tôi với ánh mắt lấp lánh. Em nói rằng, mẹ em nói với em hãy kêu tôi về ở nhà của em, không cần phải ở khách sạn nữa. Bà không nói gì cụ thể. Châu rất vui vì em nghĩ mẹ đã chấp nhận và tha thứ cho chúng tôi, còn tôi vẫn rất hồi hộp.

Khi vào nhà, tôi hơi sốc khi gặp mẹ Châu đang ngồi ngay phòng khách. Tôi ôm lấy bà và nói với bà rằng: “Trời ơi, con chào dì Hai, giờ dì Hai ốm và xanh xao quá, dì Hai sao rồi? Dì Hai có khỏe không?” Tôi ngồi bệt xuống đất, gần đầu gối của bà và lặp lại những câu trên.

Tôi nói với bà: “Dì Hai ơi, con thành thật xin lỗi về tất cả những chuyện đã xảy ra giữa tụi con trong suốt thời gian qua. Con thành thật xin lỗi dì Hai. Con mong dì hiểu, tha thứ và chấp nhận tụi con. Con thật sự yêu thương con gái dì với tất cả trái tim con và con sẽ luôn đối tốt với em. Con sẽ luôn chăm sóc tốt cho Châu cho đến cuối đời, xin dì Hai hãy tha thứ cho con.”

Bà kêu tôi ngồi lên ghế, đừng ngồi dưới sàn nữa và tôi nghe theo. Tôi nói chuyện với mẹ Châu gần 3 tiếng, nhưng chủ yếu mẹ Châu là người lắng nghe còn tôi là người nói. Tôi nói về cha mẹ tôi, về những thành viên trong gia đình, về quá khứ của tôi và công việc của tôi ở Canada. Tôi nói về chuyện cái nhìn về người LGBT trên khắp thế giới đang dần được cải thiện với hy vọng rằng nó sẽ giúp bà có thêm kiến thức và hiểu thêm về người LGBT.

Bà nói với tôi rằng, tôi không được để mẹ tôi biết về chuyện tình cảm của tôi với Châu. Bất kể tôi giải thích rằng mẹ tôi là người có đầu óc khá cởi mở, nhưng mẹ Châu không đồng ý, bà lo sợ nếu bất kỳ ai biết được chuyện này, bà sẽ chui xuống đất và mãi mãi trốn luôn dưới đó.

Tôi muốn làm vừa lòng mẹ Châu, nên tôi hứa sẽ giữ im lặng.

Một tuần đầu ở nhà Châu khá suôn sẻ. Mọi người đều vui vẻ. Nhưng khi mọi người vắng nhà, chỉ có tôi, Châu và mẹ Châu ở nhà thì bà lại không vui. Bà bắt đầu lẩn tránh khi tôi nói chuyện với bà, đứng dậy và đi ra chỗ khác. 

Khi ở riêng cùng nhau, Châu rất vui vì chúng tôi được ở bên nhau, nhưng cũng rất buồn và khóc rất nhiều vì tôi không được đối xử tử tế. Lúc nào quanh ba chúng tôi cũng có một không khí lạnh lùng. 

Cũng đến ngày tôi phải về Canada. Sau khi ôm tạm biệt mọi người, tôi mới ôm và chào mẹ Châu, bởi vì tôi muốn ôm bà lâu hơn một chút và có thể nói nhiều hơn với bà. Nhưng mẹ Châu không thích. Bà nhẹ nhàng từ chối ôm tôi và chỉ trả lời bằng một nụ cười nhạt nhòa. Bước ra khỏi cửa, tôi quay đầu cúi chào bàn thờ ông bà và người cha quá cố của Châu. Nước mắt tôi tuôn rơi khi tôi và Châu rời khỏi nhà đến sân bay.

Hai lần sau khi về thăm Châu vào Tết 2009 và 2010, thái độ của mẹ Châu cũng y như vậy. Sau khi Châu công khai với mẹ, gia đình và bạn nè, em bắt đầu thoải mái thể hiện tình yêu với tôi hơn, nhất là trước mặt những người đã biết về chuyện hai chúng tôi. Hạnh phúc và tự do, nhiều khi chỉ là ăn chung đồ ăn trên một cái đĩa, uống chung một ly nước.

Tuy vậy nó lại khiến mẹ Châu tức giận. Sau cái Tết 2010, mẹ Châu lại căng thẳng. Mẹ em nói bà thật sự sai lầm khi kêu con Mỹ trở về ở trong cái nhà này. Thực tế là càng thấy chúng tôi hạnh phúc, tự do, bà lại càng cảm thấy mệt mỏi. Bà nói rằng nếu bà là Châu, bà sẽ chết ngay cho rồi. Bà không hiểu tại sao Châu có thể hạnh phúc với cái tình cảm này.

Tháng Sáu 2010, Châu lại có ý định tự tử, nhưng sau đó em bình tĩnh lại và nói với mẹ của em rằng: “Má, nếu việc con ở trong nhà này vẫn còn khiến má buồn bực và nhục nhã, ảnh hưởng đến sức khỏe của Má, nếu Má muốn con ra khỏi nhà để bớt tức giận và thấy thanh thản hơn, thì con sẽ chấp nhận ra khỏi nhà. Còn không, Má chỉ cần tha thứ cho con, chấp nhận con và đừng đối xử với con như vậy nữa, vì con sắp không thể chịu đựng nổi nữa rồi.”

Sau cuộc nói chuyện đó, Châu cảm thấy tình cảm hai mẹ con dần dần cải thiện hơn.

Năm 2011, mọi chuyện tốt hơn lên, mẹ em cũng không còn la mắng nhiều như trước. Như đã hứa, mỗi dịp Tết tôi lại về thăm Châu và gia đình.

Sức khỏe của mẹ Châu kém đi nhanh chóng. Năm 2012, mẹ em thường phải nhập viện khám bệnh. Thời gian đó, Châu chỉ tập trung vào việc chăm sóc cho mẹ. Cho tới hơi thở cuối cùng của bà, Châu vẫn chưa biết được liệu mẹ mình có đã tha thứ cho em và có hoàn toàn chấp nhận tình yêu của chúng tôi hay không. Dẫu sao, với chúng tôi thì sự thừa nhận của mẹ em vẫn rất quan trọng.


Lời kết của Mỹ
Lúc hai mươi mốt tuổi, tôi bắt đầu chấp nhận xu hướng tình cảm của mình và không quan tâm tới những gì người khác bàn tán nữa. Tôi thấy đó là quyền của mình được sống đúng như Tạo hóa đã ban, được tự do là mình.
Ngày 20 tháng Sáu, 2014 tôi công khai với mẹ và hai người chị, may mắn là không có khó khăn gì. Sau đó, tôi công khai với tất cả các thành viên khác trong gia đình về dự định tổ chức đám cưới với Châu. Hầu hết đều ủng hộ, chúc phúc cho tôi. Tôi thấy mình rất may mắn. Giờ đây, Châu và tôi đã sẵn sàng và tôi cần đưa em sang Canada để có cuộc sống chung đôi gần bên nhau. Đây không chỉ là khởi đầu cuộc sống mới với Châu, mà còn với cả tôi. Một cuộc sống tự do và bình đẳng. 
Hầu hết thư từ gửi cho Châu đều rất dài và bằng tiếng Việt. Sẽ tốn cả một gia tài để dịch ra tiếng Anh. Tuy nhiên tôi rất sẵn sàng cung cấp nếu được yêu cầu.
Tôi vừa trình bày toàn bộ câu chuyện để minh chứng rằng mối quan hệ của chúng tôi là có thật, hợp pháp, cam kết, và nó xứng đáng được chấp thuận bảo lãnh định cư.
Cảm ơn quý cơ quan đã đọc câu chuyện cuộc đời tôi.
Trân trọng,
Mỹ

Lời kết của Châu
Theo pháp luật Việt Nam, hôn nhân cùng giới không được thừa nhận. Vì thế, trong con mắt của người Việt, đồng tính vẫn là một thứ tội lỗi, phi đạo đức, hay trục trặc tâm lý. Tôi và người bảo lãnh muốn cùng chung sống với nhau, nhưng nhà nước của chúng tôi không thừa nhận bất kỳ sự bảo vệ pháp lý nào của mối quan hệ này. Chúng tôi cũng không thể xác lập những tài sản chung như các cặp khác giới.
Vấn đề lớn nhất của tôi là sự chấp thuận từ mẹ tôi khi bà còn sống. Nhưng tình yêu của tôi với người bảo lãnh vẫn âm thầm lớn dần hơn, cho tới khi tôi nhận ra mình sẽ giữ tình yêu này cả khi đi qua cái chết.
Tôi đã chờ đợi quá lâu để bước ra ánh sáng, vì bổn phận với gia đình đã giữ chân tôi lại. Cuộc đời của tôi chỉ toàn là khổ đau và buồn bã. Quyết định công khai đã mang tới nghị lực và tự hào cho tôi.
Sau khi mẹ tôi qua đời vào tháng Mười Một, 2012, đó là lúc tôi muốn chăm sóc cho tình cảm và sức khỏe của người bảo lãnh của tôi. Từ một người nhút nhát, tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi công khai với gia đình, bạn bè, nhưng vẫn chưa thể công khai với công chúng và xã hội, vì bản tính của tôi không quen chia sẻ với người lạ.
Chúng tôi chờ đợi và cầu mong nhà nước Việt Nam sẽ sớm thừa nhận quyền của chúng tôi, hợp pháp hóa hôn nhân không phân biệt giới tính, để chúng tôi có thể kết hôn ngay trên chính quê hương mình. Hơn 32 năm yêu thương, tôi biết người bảo lãnh của tôi rất mong được tổ chức đám cưới với tôi, vì vậy tôi đã “Đồng ý” với lời cầu hôn vào ngày 14 Tháng 2, 2014.
Lúc đó, chúng tôi ngóng chờ tin tức từ Luật Hôn nhân và gia đình đang được thảo luận. Vào ngày 19 tháng Sáu, 2014, Quốc hội Việt Nam thông qua luật mới, bỏ cấm hôn nhân cùng giới, nhưng lại không thừa nhận. Chúng tôi quyết định tổ chức hôn lễ vào ngày 27 tháng Hai, 2015. Mặc dù không được kết hôn hợp pháp tại Việt Nam, chúng tôi vẫn rất hạnh phúc vào ngày cưới.
Việc chia cách hai bờ đại dương trong hơn ba thập kỷ khiến tôi mỏi mòn và không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi mong ước mơ của mình thành sự thật, xây dựng một mái ấm cùng với người bảo lãnh của tôi ở Canada, cùng già đi, cùng sống cuộc đời hạnh phúc mãi về sau.
Tôi cam đoan những thông tin khai báo trên là sự thật, tất cả là sự thật. Tôi mong đợi sự chấp nhận để được định cư ở Canada.
Trân trọng,
Châu


_______________________________

Bài viết gốc tại đây: Phần 1 | Phần 2