Việt Nam chính thức thông qua quyền chuyển đổi giới tính


Sáng ngày 24/11/2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo Bộ luật mới, cá nhân có quyền xác định lại giới tính của mình. Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) có 26 chương với 689 điều. Trong đó, vấn đề xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là việc đáng chú ý nhất.


Theo Bộ luật Dân sự sửa đổi, điều 36 quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Điều 37 của Bộ Luật Dân sự vừa được thông qua quy định về chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.


Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình trước khi đại biểu nhấn nút biểu quyết, ông Phan Trung Lý phát biểu:

"Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này [chuyển đổi giới tính] nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc."

Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy đa số phiếu thu được tán thành với quy định về việc hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính.

Bộ luật Dân sự có hiệu lực từ 1/1/2017, vì cần nhiều thời gian chuẩn bị, trước khi chính thức thống nhất áp dụng.


TonyMew - Sưu tầm