(chia sẻ của mẹ Nguyễn Lang Mộng - một thành viên của PFLAG)
Cha ơi!Tôi gặp anh Thành (Trần Minh Thành), một thương hồ của sông nước miền Tây nam bộ. Trong một cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng Cần Thơ và PFLAG TP.HCM. Điều làm tôi ấn tượng nhất ở anh là nét khắc khổ, chất phác và xen vẻ phiêu lãng, từng trải của người sống trên sông nước rày nay mai đó.
Qua trò chuyện, anh kể câu chuyện của mình một cách chậm rãi nhưng cảm xúc cứ dâng trào.
Cậu con trai duy nhất của anh (Trần Minh Trí) năm nay 19 tuổi. Cách đây ba năm, vào một buổi chiều khi hai vợ chồng vừa xong công việc buôn bán trên ghe thì anh nhận được tin nhắn của con (cháu học trên bờ còn ba mẹ sống ở ghe), con anh thú nhận nó là người đồng tính. Trời đất như quay cuồng, hai vợ chông bỏ hết mọi công việc đang dang dỡ rồi ôm nhau khóc. Vừa nói chuyện vừa khóc suốt đêm, anh như một người đắm chìm giữa biển khơi không có phao cứu… Một người trôi dạt đến tận cùng của sự khổ đau. Sống mà không có hồn, cuộc sống lúc đó không có ý nghĩa gì nữa cả…Vợ anh nguôi ngoai trước đã nói với anh: “Con đã vậy rồi thì ông nên bình tĩnh lại”. Anh không thể chấp nhận chuyện đó. Mỗi lần nghĩ đến con, đứa con độc nhất vô nhị của mình, cháu đích tôn của dòng họ thì nước mắt lại cứ lăn dài… Trời ơi, phải nói sao với dòng họ, với hàng xóm, với bạn hàng như thế nào đây? Dù sao anh cũng là người đàn ông, một thương hồ có tiếng tăm. Lúc đó tiếng khóc không còn kìm nén nữa mà nó bật lên nức nở, khô khốc, bất lực. Nước mắt của người đàn ông. Sau ba ngày ba đêm bỏ bê công việc buôn bán, nước mắt không còn để mà rơi nữa, anh sinh ra 2 phải pháp trong đầu:
1. Anh sinh ra con được thì anh sẽ từ bỏ nó được.
2. Là anh sẽ đứng cùng con trên đường đời.
Sau nhiều ngày nữa, tự suy ngẫm, cân đo… Anh nhớ đến từ ngày con ra đời đến nay, vì hiếm muộn nên vợ chồng anh nâng niu chiều chuộng con từng chút một, đối với những người cha khác hình ảnh người cha đối với con trai là sự uy nghi, xa cách thì với anh con luôn là “con trai cưng của cha”. Hình ảnh con lúc còn lon ton đến lúc dậy thì khi gặp gỡ trắc trở vui buồn con đều về tìm cha: “Cha ơi! Cha à!” với một sự nương tựa, chở che… Và vợ chồng anh không sợ nhọc nhằn cực khổ buôn bán ngày đêm, chắt chiu từng đồng tất cả chỉ dành cho con, nuôi con lớn lên từng ngày, mong con khỏe mạnh trưởng thành và thành đạt. Vậy mà bây giờ trước sự sỉ diện, tự tôn của đàn ông, trước sự định kiến của xã hội đối với giới tính của con mình mà anh có ý nghĩ từ bỏ con… Điều đó có đáng để đánh đổi con mình không? Con người ai cũng có cái đầu và trái tim. Trái tim anh đã chiến thắng cái đầu. Anh sẽ là điểm tựa của con.
Gọi con về, anh hỏi con: “Con có xác định thật sự là con sẽ hạnh phúc sống vui hơn khi con sống đúng với sự mong muốn của mình không?”. Khi có câu trả lời rõ ràng, anh bắt tay vào tìm hiểu về cộng đồng qua sách báo tài liệu con đưa cho. Anh đọc quyển “Những lời mẹ kể”. À, có những bà mẹ đã đứng lên bảo vệ con mình , họ là phụ nữ mà dám làm như vậy thì mình là đàn ông sao lại không ra mặt?
Sau này, cùng con tham dự một số chương trình của các con trong cộng đồng thì anh thấy rằng các ông bố nếu đứng ra cùng các con thì sức mạnh đó rất lớn: Một cái cột sừng sững, vững chắc trong một ngôi nhà.
Cách đây mấy ngày anh đã tham dự HỘI THẢO QUỐC GIA của PFLAG VIỆT NAM tại Hà Nội. Có rất nhiều phụ huynh, những ông bố, bà mẹ. Anh không hề đơn độc. Sự đồng cảm, sẽ chia và sự thân thiện cởi mở dựa trên sự thấu hiểu của những con người cùng cảnh ngộ trong mấy ngày cùng ở chung, cùng tập huấn, cùng những buổi dạo chơi trò chuyện… Nó làm anh cứ lâng lâng, hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời anh cảm nhận được, nó cứ vỡ òa trong lòng anh.
Về Cần Thơ, điều đầu tiên anh quyết liệt: Anh sẽ sát cánh bên con và cộng đồng của con. Anh hành động ngay. Để tiếng “cha ơi cha” của con anh luôn vang lên đầy ấm áp nương tựa và tinh tưởng.
TonyMew (sưu tầm)